.png)
Dân sự kiểm soát quân sự (Phần 3)
Giới hạn của các lời cố vấn quân sự
Khi Hoa Kỳ bước sang thế kỷ mới, điều trở ngại không phải là các nhà quân sự chuyên nghiệp sẽ không đếm xỉa đến hay chống đối sự kiểm soát của dân sự. Trái lại, vấn đề là các nhà lãnh đạo dân sự có thể không có đủ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để đáp ứng với các vấn đề phức tạp và nguy hiểm của thế kỷ XXI. Sự thách thức là làm sao thành phần lãnh đạo dân sự có thể làm việc với các nhà quân sự chuyên nghiệp để đảm bảo cho tổng thống và các nhân viên của mình có thể tiếp cận được với các thông tin và kiến thức chuyên môn kỹ thuật cần thiết để có thể quyết định thích đáng.
Bản chất và mức độ của ảnh hưởng của giới quân sự trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ khi tăng khi giảm trong lịch sử Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của giới quân sự tùy thuộc vào một số yếu tố như nhận định của dân chúng về các mối đe dọa và cơ cấu và vai trò của quân sự mà được ấn định bởi pháp luật và truyền thống. Chính giới quân sự tại Mỹ cũng không phải là một khối thuần nhất. Cho tới hiện nay, vai trò của các nhà lãnh đạo quân sự trong nền dân chủ Hoa Kỳ có thể được mô tả đúng nhất là vai trò của các chuyên gia cố vấn. Như tướng Matthew Ridgway, vị chỉ huy cao cấp nhất trong Thế chiến thứ hai và trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã giải thích: “Cố vấn quân sự phải cung cấp ý kiến chuyên môn của mình căn cứ vào các khía cạnh quân sự của vấn đề được đưa tới cho mình, dựa trên sự đánh giá khách quan, thành thật và quả cảm về quyền lợi của quốc gia, bất kể là chính sách của chính quyền lúc đó như thế nào. Vị cố vấn đó phải giới hạn lời khuyên của mình vào các khía cạnh quân sự chính yếu”.
Nói tóm lại, một sỹ quan chuyên nghiệp phải là một chuyên gia đưa ra những nhận định về cách sử dụng quân đội sao cho hữu hiệu nhất còn những vấn đề khác thì để cho dân sự phụ trách. Do đó, Hiến pháp và truyền thống Hoa Kỳ đã giới hạn quân đội trong vai trò hành chính và là công cụ thi hành trong diễn trình ấn định chính sách.
Khi Hoa Kỳ bước sang thế kỷ XXI, các cấp chỉ huy quân sự không được tham khảo ý kiến về các vấn đề như tham chiến ở đâu và vào lúc nào. Câu hỏi đặt ra cho họ rất hẹp: Làm cách nào để sử dụng quân đội một cách hữu hiệu nhất vào một thời điểm nhất định để thực hiện một mục đích chiến lược đã định sẵn? Năm 1983, Ronald Reagan không hỏi giới quân sự là quân đội có nên vào Grenada để ổn định một tình trạng đe dọa hay không mà chỉ hỏi là làm sao hoàn tất được sứ mạng đó. Tổng thống Bush hoặc Clinton cũng không hỏi các cấp chỉ huy có nên đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait hay không, hay có nên bảo vệ những người An-ba-ni ở Kosovo chống lại người Serbi hay không. Các tổng thống chỉ hỏi làm sao thực hiện được những mục tiêu đó một cách nhanh chóng và ít thương vong nhất. Như vậy, tập quán, truyền thống và pháp lý đã phối hợp để thiết lập vững vàng chế độ dân sự kiểm soát quân sự trong hệ thống chính trị và xã hội Mỹ.
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ có thể cung cấp những bài học đáng giá cho các quốc gia đang phấn đấu vượt qua các thử thách để xây dựng một nền dân chủ trứng nước. Có lẽ một trong những thử thách hiển nhiên nhất là mối đe dọa cướp chính quyền xuất phát từ các chỉ huy quân đội. Có hai nguyên tắc quan trọng để tăng cường sự kiểm soát của dân sự. Thứ nhất, một nền dân chủ mới hình thành cần thiết lập những nền tảng Hiến pháp vững chắc để làm cơ sở cho việc dân sự kiểm soát quân sự. Tuy cũng có nhiều điều không rõ rệt nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ đã chia quyền lực quân sự giữa hành pháp và lập pháp để ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực. Hiến pháp cũng quy định rõ rệt là tổng thống, người lãnh đạo dân sự do dân bầu ra, là tổng tư lệnh quân đội. Điểm cốt yếu ở đây là quyền lực của tổng thống được quy định và được giới hạn một cách toàn diện; mặt khác Quốc hội, các toà liên bang và cử tri có quyền lực rất lớn. Do đó, vai trò chỉ huy quân đội của tổng thống không đưa tới việc chỉ huy các lĩnh vực khác. Vai trò dân sự chủ yếu của tổng thống đã xuất phát từ lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ có bốn tổng thống – Washington, Jackson, Grant và Eisenhower – là đã có sự nghiệp quân sự đáng kể trước khi làm tổng thống. Vị nào cũng hiểu rõ cần phải phân biệt và tách rời chức năng quân sự với chức năng chính trị. Tướng Dwight Eisenhower lại còn tôn trọng nguyên tắc này kỹ đến nỗi khi đang chỉ huy quân đội Đồng minh tại châu Âu ông đã không đi bỏ phiếu.
Nguyên tắc thứ hai đòi hỏi quân đội chỉ giữ vai trò thực hiện chính sách chứ không phải vai trò ấn định chính sách. Việc Eisenhower từ chối không đi bầu cử trong khi ở trong quân đội biểu lộ điều ông tin là các quyết định quân sự không thể bị che khuất bởi các quyết định chính trị. Tướng không nên tham gia vào việc quyết định chính sách mà chỉ nên cho các lời cố vấn liên hệ tới việc dùng quân đội để đạt được các mục tiêu chính sách và tới khả năng thành công của việc dùng quân sự. Phải để cho các nhà lãnh đạo chính trị quyết định có nên sử dụng vũ lực hay không. Nguyên tắc thứ hai này còn khó thực hiện hơn nguyên tắc bảo vệ bằng Hiến pháp. Tuy việc Hiến pháp xác định rõ sự phân chia quyền hành giữa các nhà lãnh đạo quân sự và lãnh đạo chính trị đã là một bước khởi đầu rất tốt nhưng điều thử thách là làm sao thuyết phục giới quân đội rằng vai trò của họ là một vai trò phụ trợ. Trở ngại chính cho việc dân sự kiểm soát dân sự thường là tư duy của xã hội vẫn tán dương quân đội. Thay đổi tư duy này là một công việc khó nhưng cần thiết để giữ quân sự dưới quyền kiểm soát của dân sự. Điều này đòi hỏi thời gian và nâng cao dân trí. Những lãnh tụ cũ không tin tưởng vào giới lãnh đạo dân sự cần phải được thay thế bằng các lãnh tụ mới sẵn sàng hợp tác và phục vụ thể chế lãnh đạo dân sự. Lẽ dĩ nhiên nếu lãnh đạo dân sự do dân chúng bầu lên thì tư thế chính danh của họ đối với nhân dân cũng giúp họ kiểm soát được giới quân sự. Nhiệm vụ này quả thực là khó nhưng không khó hơn nhiệm vụ xây dựng một chính quyền dân chủ lành mạnh. Cũng cần phải nói rõ là một quân đội tự coi mình chỉ là một thành phần của một xã hội dân chủ thì nhờ đó mà trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi bởi vì các hành động của quân đội lúc đó là phản ánh nguyện vọng tối cao của nhân dân mà quân đội phục vụ.
Nguồn: http://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/07/dan-su-kiemsoat-quan-su-michael-f-cairo/